Rạn da là hiện tượng phổ biến trong quá trình mang thai. Việc lựa chọn được một loại kem an toàn là điều đương nhiên, nhưng cách bôi kem rạn da cho bà bầu như thế nào cho hiệu quả không phải ai cũng biết. Ngoài ra, những lưu ý cần quan tâm trong quá trình sử dụng sản phẩm cũng là một mối quan tâm của nhiều mẹ bầu. Hãy cùng chúng tôi giải đáp những thắc mắc trên qua bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Nguyên nhân xuất hiện vết rạn da trong thời gian mang thai
Rạn da là những vết sẹo nhỏ nằm ở lớp giữa của da (trung bì) có thể nhìn thấy ở lớp trên cùng của da (biểu bì). Những vết rạn này sẽ hình thành khi tăng cân nhanh chóng hoặc thay đổi nội tiết tố làm da căng ra.
Nhờ vào sợi collagen và elastin, da có tính đàn hồi và thích ứng với tác động căng da. Nhưng khi da căng lên quá nhanh, cơ thể sẽ ngay lập tức đáp ứng để chữa lành các vết nứt da. Mặc dù có cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể, nhưng những vết rạn da vẫn có thể xuất hiện.
Ngoài ra, các hormone thai kỳ như cortisol và estrogen, làm giảm hoạt động và hiệu quả của các nguyên bào sợi trên da. Điều này làm giảm các sợi collagen và elastin khiến làn da của bạn trở nên dễ tổn thương hơn. Đồng thời, sự phát triển của phần bụng, đùi và ngực càng làm cho các vết rạn xuất hiện nhiều hơn.
Cơ thể mỗi người phụ nữ và mỗi lần mang thai đều khác nhau, nhưng các vết rạn da thường xuất hiện vào cuối tam cá nguyệt thứ hai hoặc trong tam cá nguyệt thứ ba. Những vết rạn thường hình thành trên bụng, đùi, hông và ngực của mẹ bầu
Phần lớn phụ nữ mang thai đều xuất hiện các vết rạn da. Đôi khi có thể gây ngứa, tuy nhiên, các vết rạn này đều không đau hoặc gây nguy hiểm cho bà bầu.
Nên bôi kem rạn da vào thời điểm nào của thai kỳ?
Người mẹ nên bôi kem chống rạn da từ tháng thứ 3 hoặc thứ 4 của thai kỳ – khi chưa xuất hiện các vết rạn da, và duy trì thói quen này cho đến khi gần sinh. Vì kem rạn da bôi trong khoảng thời gian mang thai nên để tránh gây ra các tác dụng không mong muốn, nên lựa chọn những loại kem không chứa những hóa chất độc hại như chất tạo mùi, chất có khả năng gây kích ứng cho da, chất bảo quản,… để tránh gây dị tật cho thai nhi.
Hướng dẫn cách bôi kem rạn da cho bà bầu
Phụ nữ mang thai nên bôi kem rạn da hai lần một ngày: trước khi mặc quần áo vào buổi sáng và trước khi đi ngủ vào buổi tối. Tốt nhất nên thoa kem trị rạn da, kem dưỡng da và dầu sau khi tắm xong, khi da vẫn còn hơi ẩm. Bởi vì trong chu trình tự nhiên của da, da có thể tẩy tế bào chết trong khi ngủ. Việc tắm bằng vòi hoa sen hoặc bồn tắm giúp đẩy nhanh quá trình loại bỏ lớp da trên cùng.
Vì vậy, khi bôi kem rạn da vào thời điểm này sẽ giúp kem rạn da dễ dàng thấm và phát huy tác dụng, đồng thời, kem dưỡng da cũng giúp da giữ ẩm, hạn chế việc rạn da. Ngoài ra, bản thân các loại kem, sữa dưỡng và dầu dưỡng sẽ được hấp thụ tốt nhất sau khi tắm, khi da còn hơi ẩm. Điều này là do chất dưỡng ẩm giúp giữ nước vẫn còn trong da, thúc đẩy quá trình dưỡng ẩm hơn nữa.
Cách bôi kem rạn da cho bà bầu:
- Lấy một lượng vừa đủ kem, lotion hoặc dầu trị rạn ra tay
- Dùng tay còn lại xoa nhẹ lên những vùng da có khả năng bị rạn như bụng, đùi, hông, ngực, lưng,…, xoa đều theo chiều kim đồng hồ thật nhẹ nhàng.
- Lặp lại quá trình này trong vòng từ 5 đến 20 phút với tùy loại kem để kem có thể thấm hết vào da
- Nếu mẹ bầu muốn sử dụng thêm sản phẩm kem dưỡng để cấp ẩm cho da hơn thì có thể đợi sau 10-15 phút rồi tiếp tục thoa kem dưỡng ẩm lên vùng da bị rạn
Những lưu ý khi bôi kem rạn da cho bà bầu
Lựa chọn kem rạn da
Các sản phẩm chống rạn da cho bà bầu cần ưu tiên mức độ an toàn lên trên hết. Bà bầu nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ da liễu, người thân, bạn bè đã từng mang thai để đưa ra lựa chọn kem rạn da tốt nhất.
Tốt hơn hết, bà bầu nên lựa chọn loại kem rạn da đặc trị dành cho phụ nữ mang thai. Hoặc có thể lựa chọn kem rạn da có chứa thành phần chính được chiết xuất từ thiên nhiên như vitamin E, hạnh nhân, bơ ca cao, nho và không có thành phần hóa học gây hại. Đặc biệt, không được sử dụng những loại kem rạn da có chứa Petroleum, Paraben, Sunfat natri lauryl, Propylene, Butylene glycol, Axit salicylic hoặc Retinoids, vì các thành phần này có thể có hại trong thai kỳ.
Ngoài ra, mẹ bầu nên thoa kem lên những vùng da mỏng trước để xem da có dị ứng với loại kem đang dùng hay không.
Hạn chế massage bụng quá nhiều
Khi sử dụng kem rạn da, mẹ bầu nên hạn chế việc massage bụng quá nhiều trong suốt thời gian mang thai vì có thể kích thích những cơn co thắt tử cung, khiến thai nhi được đẩy ra ngoài tử cung nhiều hơn làm cho sảy thai, động thai hay sinh non.
Càng về cuối giai đoạn thai kỳ, việc massage vùng bụng lại càng nguy hiểm. Vì vậy, mẹ bầu nên chú ý xoa nhẹ nhàng, không nên xoa theo vòng tròn mà nên thoa từ dưới lên. Đặc biệt, chỉ nên massage bụng trong vòng 5 phút.
Trường hợp sản phụ không nên bôi kem rạn da
Những mẹ bầu có các bất thường khi mang thai như: trước đó hay bị sẩy thai, có dấu hiệu đẻ non, động thai… nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng kem trị rạn da.
Tẩy da chết cho vùng da bị rạn
Để phát huy tối đa hiệu quả của kem dưỡng ẩm và kem rạn da, hãy nhớ tẩy tế bào chết cho bụng, hông, đùi và ngực mỗi tuần một lần.
Tẩy tế bào chết sẽ loại bỏ các tế bào da chết và khô có thể ngăn không cho kem dưỡng ẩm của bạn thẩm thấu xuống các lớp da bên dưới. Tẩy da chết cũng thúc đẩy sự phát triển của các tế bào da mới có thể giúp giữ cho bụng, hông, đùi và ngực mềm mại, đàn hồi và giảm vết rạn da.
Có một số loại thảo mộc và nguyên liệu tự nhiên có thể được sử dụng làm chất tẩy tế bào chết như baking soda và dầu dừa (loại chuyên dùng tẩy tế bào chết). Những thành phần này có thể được thoa trực tiếp lên da và vẫn đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Kết hợp chế độ ăn uống, chăm sóc cơ thể, luyện tập nhẹ nhàng
Ngoài việc dùng kem trị rạn dạ, mẹ bầu cũng nên kết hợp chế độ ăn uống, chăm sóc da và luyện tập để giảm nguy cơ rạn da cũng như duy trì sức khỏe trong giai đoạn thai kỳ như:
- Ăn nhiều trái cây, rau xanh
- Sử dụng tinh bột từ ngũ cốc nguyên hạt như bột yến mạch và bánh mì lúa mì
- Bổ sung protein nạc như thịt gà, cá và đậu
- Sử dụng các sản phẩm từ sữa cung cấp canxi
- Bổ sung vitamin
- Ăn đồ ngọt và đường ở mức tối thiểu để giảm cảm giác buồn nôn
- Dưỡng ẩm cho da hai lần mỗi ngày (ưu tiên sản phẩm từ thiên nhiên và dùng cho tất cả những vùng có nguy cơ bị rạn da)
- Uống nhiều nước để giúp các tế bào da khỏe mạnh, tự phục hồi và ngăn ngừa các vết rạn da
- Có thể sử dụng trà nóng, nước chanh hoặc nước ép dưa leo để uống bổ sung cùng với nước lọc
- Luyện tập nhẹ nhàng như: bơi lội, đi bộ và yoga để cải thiện sức khỏe cũng như tăng độ đàn hồi cho da
Mặc dù các vết rạn da không gây nguy hiểm cho mẹ bầu và em bé. Tuy nhiên, các vết rạn này nếu không được phòng ngừa sớm sẽ gây mất tự tin cho các mẹ sau sinh. Vì vậy, lựa chọn kem rạn da rất quan trọng nhưng cách bôi kem rạn da cho bà bầu ra sao để mang lại hiệu quả cũng là điều nhiều mẹ bầu cũng quan tâm. Hy vọng qua bài viết trên đây, các mẹ bầu có thể tự tin sử dụng kem rạn da đúng cách để mang lại hiệu quả và an toàn cho cả mẹ và con.