Rạn nứt da ở tuổi dậy thì khá phổ biến. Các vết rạn này làm bề mặt da kém thẩm mỹ và gây mất tự tin ở các bạn trẻ. Tuy nhiên, nó không có hại cho cơ thể và có thể giảm bớt bằng một số phương pháp điều trị, thậm chí, có thể tự biến mất sau một thời gian. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho bạn các thông tin liên quan đến rạn nứt da và cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả!
Tóm tắt nội dung
Các dấu hiệu của rạn nứt da ở tuổi dậy thì
Sự xuất hiện của các vết rạn da có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, tuổi tác, cơ địa và loại da. Thông thường, các dấu hiệu rạn nứt dưới đây được nhận thấy trên da:
- Các đường mờ hoặc sáng trên da
- Các đường màu hồng, đỏ hoặc tím
- Các đường màu đen hoặc nâu
Nguyên nhân và vị trí xuất hiện rạn nứt da ở tuổi dậy thì
Bất kỳ yếu tố hoặc điều kiện nào gây ra hiện tượng căng da quá mức đều có thể dẫn đến rạn da. Mức độ nghiêm trọng của các vết rạn da có thể khác nhau tùy thuộc vào loại da, yếu tố di truyền, độ đàn hồi của da và mức độ cortisol trong cơ thể. Cortisol là một loại hormone được sản xuất trong tuyến thượng thận, và làm tăng độ đàn hồi của các sợi da.
Nguyên nhân chính làm xuất hiện các vết rạn nứt da ở tuổi dậy thì là vì trong độ tuổi này, cơ thể phát triển hoặc tăng cân nhanh chóng làm da bị kéo căng quá mức. Điều này làm các sợi collagen dưới da với chức năng giữ các mô liên kết lại với nhau không sản xuất kịp. Kết quả là xuất hiện các vết hoặc đường trông giống như vết sẹo trên da – hay còn gọi là vết rạn nứt da
Thực chất, rạn da là một hiện tượng bình thường trên cơ thể, có thể xảy ra ở cả nam và nữ trong độ tuổi dậy thì. Các vị trí thường xuất hiện các vết rạn da này là hông, mông, bắp đùi, ngực, bụng, lưng dưới và lưng trên, cánh tay, đầu gối,… Thông thường, các vết rạn da này xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
Nguy cơ làm các vết rạn nứt xuất hiện nhiều hơn
Bất kỳ ai trong độ tuổi dậy thì đều có thể xuất hiện các vết rạn nứt trên da. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm cho cơ thể của bạn gia tăng nguy cơ rạn da hơn như:
- Giới tính nữ
- Tiền sử gia đình bị rạn da
- Thừa cân hoặc béo phì
- Giảm cân hoặc tăng cân nhanh chóng
- Sử dụng lâu dài thuốc corticosteroid (steroid uống hoặc bôi ngoài da)
- Hội chứng Cushing (nồng độ cortisol cao)
- Hội chứng Marfan (rối loạn mô liên kết)
Cách phòng ngừa xuất hiện các vết rạn nứt ở tuổi dậy thì
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ phát triển các vết rạn da ở tuổi thanh thiếu niên là duy trì cân nặng hợp lý. Các bậc phụ huynh cần thảo luận với con về sự cần thiết của một chế độ ăn uống lành mạnh để tránh tăng cân quá mức.
Việc tập thể dục đều đặn cũng là một trong những cách hiệu quả để ngăn ngừa sự xuất hiện của các vết rạn nứt. Đây là một biện pháp duy trì vóc dáng cân đối, giúp tăng độ đàn hồi cho da và giúp da trở nên săn chắc hơn.
Điều trị rạn nứt da ở tuổi dậy thì
Có rất nhiều phương pháp có thể làm giảm các vết rạn nứt da ở tuổi dậy thì. Tùy thuộc vào cơ địa và điều kiện kinh tế, bạn có thể lựa chọn một trong những biện pháp sau:
Làm mờ vết rạn với những nguyên liệu từ thiên nhiên
Những sản phẩm từ thiên nhiên chứa rất nhiều thành phần có công dụng tốt trong làm đẹp. Tuy nhiên, cần sử dụng đều đặn và kiên nhẫn trong 1 thời gian dài để có thể nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Một số nguyên liệu thiên nhiên mà bạn có thể tham khảo sử dụng như sau:
Mật ong và sữa chua
Mật ong được sử dụng rất phổ biến trong làm đẹp vì có tính chống oxy hóa cao, hỗ trợ quá trình kích thích sản sinh tế bào mới. Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn và acid lactic, có tác dụng trong việc tẩy sạch lớp tế bào chết bám trên da. Sự kết hợp giữa mật ong và sữa chua có tác dụng làm đều màu da, mờ các vết rạn nứt và giúp da mềm mại hơn.
Nha đam và dầu dừa
Nha đam chứa những thành phần phong phú như acid béo, khoáng chất, vitamin,… nhung quan trọng nhất là khả năng dưỡng ẩm tốt. Dầu dừa với lượng acid béo dồi dào, thường được ứng dụng để tẩy tế bào chết trong mỹ phẩm thiên nhiên. Sự kết hợp của 2 thành phần này có khả năng làm mờ vết rạn hiệu quả và tăng tính đàn hồi cho da.
Thực phẩm chứa nhiều vitamin
Vitamin A, E và C trong thực phẩm như rau xanh, bí đỏ, thịt cá, trứng, sữa là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo ra nhiều collagen và el9astin hơn cho cơ thể. 2 thành phần này là yếu tố quan trọng với sự đàn hồi cho da và giảm bớt các vết rạn nứt. Ngoài ra, vitamin E cũng hỗ trợ làm sáng da và giúp da khỏe mạnh hơn.
Sản phẩm dưỡng da để làm mờ các vết rạn
Retinoid
Retinoid là các dẫn xuất của vitamin A. Các loại kem dưỡng có chứa thành phần này có thể tái tạo lại các sợi collagen của da và làm cho làn da trở nên bình thường như trước. Tuy nhiên, 1 lưu ý nhỏ là thành phần thành có thể gây kích ứng da ở một số người sử dụng.
Dầu massage giàu vitamin E
Thường xuyên massage ở các khu vực có vết rạn bằng dầu chứa vitamin E cũng giúp làm giảm các vết rạn nứt bằng cách làm đều màu da. Khi sử dụng các loại dầu này, cần chú ý bôi kỹ và đều đặn để thấy hiệu quả rõ rệt hơn.
Kem dưỡng ẩm
Dưỡng ẩm thường xuyên cũng là cách làm giảm vết rạn. Trong các loại kem dưỡng hiện nay đều bổ sung nhiều hoạt chất có tác dụng làm sáng và làm mềm da. Tuy nhiên, sử dụng kem dưỡng ẩm cũng chỉ có chức năng làm mờ và giảm xuất hiện thêm các vết rạn. Chưa tìm thấy hiệu quả trong việc xóa sạch các vết rạn trên da.
Điều trị bằng liệu pháp công nghệ
Điều trị bằng liệu pháp công nghệ hiện đại có thể xóa đi các vết rạn nứt trên da. Tuy nhiên, điều trị bằng các liệu pháp này sẽ tốn kém hơn và có thể có những tác dụng không mong muốn đối với cơ thể đặc biệt là độ tuổi dậy thì. Bạn có thể tham khảo một số liệu pháp sau và nên cân nhắc hoặc hỏi ý kiến bác sĩ da liễu trước khi tiến hành:
Liệu pháp laser
Liệu pháp này có tác dụng kích thích sản sinh collagen và elastin của da.
Microdermabrasion
Nhân viên điều trị sẽ sử dụng một thiết bị cầm tay để thổi các tinh thể đặc trị, loại bỏ một lớp màng mỏng trên da. Liệu pháp này có thể kích thích sự phát triển của da, xóa đi vết rạn và giúp da đàn hồi hơn.
Non-ablative radiofrequency
Đây là liệu pháp điều trị bằng thiết bị tần số vô tuyến đặc biệt để thúc đẩy tăng trưởng collagen. Giúp các sợi collagen sản sinh nhiều hơn và tái kết nối, tái tạo bề mặt da.
Microfocused ultrasound
Liệu pháp này sử dụng sóng siêu âm, có tác dụng thúc đẩy tăng sinh collagen, làm mờ vết rạn và củng cố độ đàn hồi cho da.
Hiện tượng rạn nứt da ở tuổi dậy thì là điều bình thường. Tuy nhiên, các vết rạn này đôi khi gây mất thẩm mỹ trên cơ thể. Vì vậy, cần kết hợp điều trị, làm mờ vết rạn nứt với việc chú ý đảm bảo lối sống sinh hoạt và ăn uống để có thể cân bằng được dinh dưỡng cũng như làm giảm xuất hiện các vết rạn. Hy vọng bài viết trên đây có thể cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích về rạn nứt da và cách điều trị vết rạn nứt ở tuổi dậy thì!