Rạn da là tình trạng phổ biến có thể xảy ra ở cả nam và nữ, tuy nhiên phần lớn vẫn ở phái nữ, đặc biệt là giai đoạn mang thai hoặc dậy thì. Nó không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng lại có thể khiến chúng ta cảm thấy mất tự tin, nhất là vết rạn ở những vị trí bụng, đùi. Vậy chính xác rạn da là gì, nguyên nhân xuất hiện và cách điều trị ra sao, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.
Tóm tắt nội dung
Thế nào là rạn da?
Rạn da cũng là một dạng sẹo hình thành khi da chúng ta căng ra hoặc co lại một cách nhanh chóng, thường thấy dưới dạng những vết rằn sọc trên bề mặt phẳng. Nguyên nhân là sự thay đổi đột ngột ấy khiến lớp collagen và elastin, những chất có vai trò nâng đỡ làn da bị đứt gãy, khiến da như bị “ xé rách” thành các vết rạn.
Vậy những ai có khả năng cao bị rạn da? Trên thực tế, nguy cơ rạn da có thể xảy ra ở những đối tượng sau:
- Phụ nữ giai đoạn mang thai
- Những người giảm tăng cân, luyện tập tăng cơ quá nhanh
- Giai đoạn dậy thì phát triển nhanh
- Sử dụng Corticoid trong thời gian dài
- Trong gia đình có từng bị rạn
Những vết rạn da thường xuất hiện ở vùng da mỏng dễ tổn thương như bụng, cánh tay, đùi, vai, hông lưng, ngực, mông.
Nguyên nhân xuất hiện rạn da
Bình thường da chúng ta có thể giãn ra hoặc co lại trong một mức độ nên có thể đáp ứng được với những thay đổi nhỏ. Tuy nhiên khi thay đổi một cách đột ngột thì da không kịp đàn hồi và gây nên các vết rạn da.
Điều đó thường gặp nhất ở những người béo phì hoặc tăng cân quá nhanh. Khi trọng lượng cơ thể tăng nhanh khiến da phải giãn ra nhanh, sự đàn hồi của da không đáp ứng kịp hình thành các vết rạn. Các vết này thường xuất hiện ở các vùng nhiều mỡ như đùi, hông.
Tăng trưởng quá nhanh ở tuổi dậy thì cũng khiến cho da khó đáp ứng kịp thời. Khi ấy có thể bạn không béo phì, không thừa cân nhưng mức phát triển quá nhanh và có thể sự thay đổi của hormon làm cho da không kịp đàn hồi.
Phụ nữ mang thai cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Thời kì mang thai khiến cho cơ thể người phụ nữ thay đổi rất nhiều, nhất là giai đoạn những tháng cuối, lúc ấy sự phát triển của em bé trong tử cung khiến bụng mẹ lớn lên mỗi ngày, da căng nhiều và liên tục gây ra các vết rạn da. Không những thế, giai đoạn này hormon trong mẹ cũng có nhiều sự thay đổi, gây ảnh hưởng tới cấu trúc da, và không chỉ vùng bụng mà vùng đùi, hông cũng có thể xảy ra hiện tượng này.
Tập thể hình không chỉ khỏe mà còn giúp cho cơ thể săn chắc, tuy nhiên cũng có những trường hợp dở khóc dở cười vì tập xong thì chưa thấy đẹp mà trên da đã xuất hiện các vết rạn. Đây là do chế độ tập chưa phù hợp khiến cơ tăng nhanh, làm cho lớp hạ bì cũng bị phá vỡ và thế là rạn hình thành.
Và một trong những nguyên nhân gây rạn da một cách thầm lặng mà chúng ta ít nghĩ tới chính là sử dụng hóa chất, thuốc hay Corticoid kéo dài do tác dụng phụ của nó. Quá trình tạo thành collagen của da có thể bị ảnh hưởng bởi các thành phần trong thuốc, gây rạn nứt da. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó trên các bệnh nhân đái tháo đường, béo phì, hội chứng Cushing. Hoặc nếu bạn dùng kem trộn thời gian dài cũng khiến cho làn da bị tổn thương, có thể gặp các tình trạng khô da, ngứa đỏ, xuất hiện các vết rạn da trong cơ thể. Chị em phụ nữ ai cũng muốn có một làn da trắng sáng mịn màng, nhưng cũng đừng vì thế mà sử dụng các sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng các bạn nhé.
Triệu chứng của rạn da
Chúng ta có thể nhận thấy hiện tượng rạn da qua mắt thường mà không cần phải thăm khám. Rạn da đặc trưng bởi trên da có các vết sọc dài, nhỏ, có thể kèm theo cảm giác ngứa khó chịu. Ở người sử dụng Corticoid kéo dài và hội chứng Cushing thì vết rạn thường lớn hơn và phân bố rộng hơn. Quá trình rạn da thường trải qua hai giai đoạn:
- Giai đoạn đầu, các vết rạn thường có màu hồng, đôi khi có màu tím tái, có ranh giới rõ và song song với nhau. Đây chính là rạn đỏ, vì mang màu của một số mạch máu dưới da và có thể cũng do quá trình viêm. Chính sự hiện diện của các mạch máu này khiến cho việc điều trị rạn đỏ dễ dàng hơn.Vì vậy, những ai đang có vết rạn đỏ thì nên yên tâm vì đó là vết rạn mới hình thành, khả năng hồi phục cao.
- Càng về lâu dài thì các vết rạn nhạt dần, chuyển sang màu trắng, các tổn thương tạo nên vết gấp trên bề mặt da và gọi là rạn trắng. Nhìn vào màu sắc của vết rạn chúng ta cũng có thể đoán được “tuổi tác” của nó. Trong quá trình chuyển thành rạn trắng, các mạch máu dưới da bị thu hẹp, việc sản xuất collagen của da cũng hạn chế hơn. Do đó việc điều trị các vết rạn trắng cũng khó và phức tạp, cần nhiều thời gian hơn.
Rạn da là một quá trình chia ra hai giai đoạn rõ ràng, mỗi giai đoạn đều có đặc điểm và cơ chế khác nhau nên để điều trị cũng cần phương pháp khác nhau.
Các biện pháp khắc phục rạn da
Biện pháp không dùng thuốc
Dưỡng ẩm vùng da bị rạn, có thể sử dụng các loại kem, gel, lotion. Dầu dừa cũng là một trong những sản phẩm chăm sóc da quen thuộc đối với chị em. Việc dưỡng ẩm giúp tăng cường độ đàn hồi của da, phục hồi các tế bào da bị tổn thương và hạn chế hình thành sẹo cũ, các vết rạn cũ có thể mờ đi một chút. Từ cơ chế hình thành rạn da, ta thấy dưỡng ẩm sẽ có giá trị nhiều hơn nếu dùng sớm để ngăn ngừa rạn hơn là bị rạn rồi mới dùng.
Tẩy tế bào chết thường xuyên cũng giúp loại bỏ các tế bào chết ở vùng da rạn, làm chúng mờ hơn. Ngoài ra việc tẩy tế bào chết còn giúp cho kết hợp các liệu pháp khác dễ dàng hơn, hấp thu các hoạt chất qua da tốt hơn.
Biện pháp dùng thuốc
- Các retinoid thường được sử dụng trong điều trị rạn. Bôi retinoid tại chỗ giúp kích thích tăng sinh collagen, đồng thời tác động vào quá trình sừng hóa của da và tăng tái tạo các tế bào mới để lấp đầy các phần bị kéo giãn, nứt nẻ. Tuy nhiên bản chất của rạn da là tổn thương ở lớp trung bì và hạ bì, do đó quá trình điều trị cần thời gian dài. Nhưng có một điều quan trọng cần chú ý là retinoid không sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú vì có thể gây hại cho em bé, nhưng đây lại là những đối tượng bị rạn phổ biến nhất và có nhu cầu sử dụng các sản phẩm chống rạn cao.
- Ngoài Retinoid thì Acid hyaluronic cũng là thành phần thường được kê để điều trị rạn. Acid hyaluronic có tác dụng giữ nước tốt, giúp cấp ẩm, dưỡng ẩm cho da, làm vùng da rạn tăng tính đàn hồi, căng mịn hơn.
Các thủ thuật
Bản chất các thủ thuật là tác động vào da làm đẩy nhanh tốc độ lên lớp da mới và loại bỏ lớp da khiếm khuyết. Các thủ thuật không thể làm mất hoàn toàn vết rạn nhưng sẽ làm chúng mờ hơn. Một số thủ thuật thường dùng như:
- Lột da hóa học (chemical peels)
- Lăn kim, phi kim
- Sóng điện từ
- Sóng siêu âm
Các phương pháp này tác động trực tiếp tới da nên có thể gây các tác dụng phụ như sưng, đỏ da sau điều trị. Do đó nên chăm sóc da cẩn thận sau khi trị liệu, nếu gặp vấn đề trầm trọng nên được thăm khám bởi bác sĩ da liễu.
Liệu pháp Laser
Ánh sáng laser cường độ cao giúp kích thích tăng sản sinh collagen. Cơ chế là laser sẽ làm tổn thương da, kích thích sản sinh collagen khi lành lại và làm mờ các vết rạn. Liệu pháp laser khác có hiệu quả trong điều trị rạn da và cũng tương đối an toàn, tuy nhiên cũng cần lộ trình thời gian dài và tốn kém về chi phí.
Với các vết rạn không do bệnh lý thì mục tiêu điều trị chính là làm mờ và mất các vết rạn. Tuy nhiên chưa có biện pháp nào tối ưu nhất để trị dứt điểm mà cần phối hợp các biện pháp với nhau.
Ngăn ngừa rạn da
Để điều trị rạn da cần thời gian dài và hiệu quả các phương pháp điều trị chưa cao, do đó chúng ta nên phòng ngừa tối thiểu bằng cách:
- Thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt, tránh tăng cân nhanh quá mức.
- Một số sản phẩm chứa tinh chất rau má hoặc acid hyaluronic có thể ngừa rạn da.
- Tránh tự ý sử dụng các thuốc khi chưa được kê đơn, đặc biệt trong thành phần chứa corticoid.
- Trong quá trình mang thai có thể sử dụng những dầu dưỡng an toàn như dầu dừa, dầu olive, dầu quả bơ.
Trên đây là tổng hợp những kiến thức tổng quát về rạn da, bao gồm từ nguyên nhân, triệu chứng, cách ngăn ngừa và khắc phục. Hy vọng bài viết sẽ là bản tổng hợp tóm tắt nhưng hữu ích, giúp bạn nắm được thông tin về rạn da một cách nhanh chóng nhưng trọn vẹn và từ đó, tìm cho mình được cách ngăn ngừa và làm mờ các vết rạn phù hợp.